Theo quy hoạch của Chính phủ được phê duyệt năm 2008 tầm nhìn đến 2050, phương án xây dựng sân bay Nội Bài thứ hai đối diện sân bay hiện có sẽ được thực hiện sau 2020. Các hạng mục xây dựng mới gồm đường cất hạ cánh số 2A song song và cách đường cất hạ cánh 1B hiện nay 1,7 km về phía nam; ga hành khách T3, T4 với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm nâng tổng công suất cụm cảng lên 50 triệu hành khách; ga hàng hóa, sân đỗ máy bay, xe tải...
Tuy nhiên, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho rằng, việc triển khai đúng phương án theo quy hoạch sẽ rất khó khăn bởi mật độ dân cư phía nam Nội Bài dày đặc khiến chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn. Dự kiến, khoảng 4.470 hộ dân bị ảnh hưởng, việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội là thách thức lớn.
Theo đánh giá của Cục hàng không, phương án xây sân bay mới về phía nam có chi phí đầu tư gần 76.000 tỷ đồng gồm: chi phí xây đường cất hạ cánh số 3, đường lăn, sân đỗ máy bay và thiết bị phục vụ khai thác khoảng 6.000 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 40.800 tỷ đồng; chi phí xây dựng nhà ga 12.000 tỷ đồng; chi phí xây đường lăn Bắc Nam 2.000 tỷ đồng; chi phí khác và dự phòng 15.200 tỷ đồng.
Từ đây, Cục Hàng không tiếp tục đề xuất phương án thứ hai là mở rộng sân bay về phía bắc, tiếp giáp với đường băng hiện có.
|
Hai phương án mở rộng sân bay Nội Bài.
|
Theo tính toán sơ bộ, chi phí mở rộng sân bay theo hướng bắc khoảng 38.800 tỷ đồng, bằng một nửa phương án đã được phê duyệt về phía nam. Cụ thể chi phí xây dựng đường cất hạ cánh số 3, đường lăn, sân đỗ máy bay và thiết bị phục vụ khai thác cần khoảng 6.000 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng cần khoảng 11.000 tỷ đồng; xây dựng ga hành khách cần khoảng 12.000 tỷ đồng; hệ thống giao thông kết nối 2.000 tỷ đồng; dự phòng và các khoản chi phí khác 7.760 tỷ đồng.
Cục Hàng không đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Nội Bài theo hướng mở rộng sân bay về phía bắc, dự kiến hoàn thành khảo sát, lập hồ sơ quy hoạch trong quý 4 năm nay.
Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, Bộ Giao thông sẽ họp bàn nghiên cứu kỹ từng phương án, sau đó sẽ trình Chính Phủ phê duyệt trong năm nay. Đây sẽ là tiền đề để lập dự án đầu tư xây dựng mở rộng trong bối cảnh sân bay Nội Bài cần được nâng công suất.
|
Sân bay Nội Bài sẽ quá tải trong vài năm tới. Ảnh: Đ.Loan.
|
Hiện nay, sân bay Nội Bài có công suất đón 25 triệu hành khách mỗi năm. Từ khi nhà ga T2 đưa vào khai thác đầu năm 2015 với công suất đạt 10 triệu khách/năm, toàn bộ ga T1 chỉ khai thác khách quốc nội. Tuy nhiên, T1 cũng nhanh chóng đối mặt với vấn đề quá tải. Năm 2015, nhà ga T1 đã đón 12 triệu lượt khách trên tổng số 17,2 triệu hành khách thông qua sân bay quốc tế Nội Bài. Hiện nhà ga T1 đang được sửa chữa để đáp ứng khoảng 12 triệu hành khách mỗi năm.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, với sức tăng trưởng nóng của ngành (2015 đạt 22%, bốn tháng đầu năm 2016 là 31%) thì chỉ vài năm nữa, Nội Bài sẽ quá tải như Tân Sơn Nhất. Do đó, kế hoạch xây dựng mới, mở rộng, nâng công suất của sân bay Nội Bài trong thời gian tới là việc cấp bách.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ được nâng cấp thành sân bay quốc tế lớn phía Bắc. Đến năm 2020, Nội Bài đạt cấp độ sân bay 4E với lưu lượng hành khách đạt 20-25 triệu hành khách/năm.
Đến năm 2030, cảng hàng không quốc tế Nội Bài có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm.
Ngoài ra, sân bay quốc tế thứ hai sẽ được định hướng trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội.
|
Đoàn Loan
Let's block ads! (Why?)