Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm, qua báo chí được biết TP Hà Nội đang xây dựng kế hoạch hạn chế xe máy, Sở GTVT thành phố cũng ấp ủ điều này và có thể sẽ thực hiện ở khu vực trung tâm. Vì theo quy hoạch, khu lõi của TP HCM có các phố đi bộ như đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Huỳnh Thúc Kháng, Hàm Nghi, quảng trưởng Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành.
|
TP HCM đang lên kế hoạch hạn chế xe cá nhân vào trung tâm trong một số khung giờ nhất định. Ảnh: Hữu Công
|
Tuy nhiên, theo ông Lâm, việc tổ chức các tuyến phố đi bộ chỉ triển khai khi đảm bảo được hoạt động của các loại xe công cộng, chẳng hạn như khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đưa vào sử dụng. Đồng thời, việc tổ chức xe buýt phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và các bãi đỗ xe ngầm cũng phải hoàn thành để giữ xe cho người dân đi bộ vào trung tâm.
"Chúng tôi đang phối hợp với một trường đại học lập kế hoạch và lộ trình để hạn chế xe vào một số tuyến đường ở khu vực trung tâm theo một số giờ nhất định. Có thể trước mắt là vào buổi tối các ngày cuối tuần, tương tự như đường Nguyễn Huệ đang làm", ông Lâm nói và cho rằng đây là một lộ trình dài, sẽ kết hợp với việc hoàn chỉnh hạ tầng cũng như các xe công cộng.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, trong 6 tháng đầu năm nay số lượng xe cá nhân trên địa bàn tiếp tục tăng cao, nhất là ôtô đăng ký mới có tốc độ tăng rất nhanh (86% so với cùng kỳ). Nếu năm 2015 mỗi ngày thành phố tăng thêm 100 chiếc thì năm nay là 180 chiếc. Tính đến ngày 15/6, toàn thành phố có 7,6 triệu phương tiện, trong đó ôtô là gần 600.000.
Thời gian qua, nhiều giải pháp đã được TP HCM nghiên cứu để hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông như cấp quota mua ôtô, cấm ôtô vào nội đô, cho xe chạy theo ngày chẵn, lẻ... tuy nhiên, sau nhiều năm, ùn tắc giao thông vẫn là vấn đề nan giải đối với đô thị lớn nhất nước.
Hữu Công
Let's block ads! (Why?)