- Thưa thứ trưởng, năm nay mỗi tỉnh thành đều có cụm thi do trường đại học chủ trì, những địa phương khó khăn gặp trở ngại gì trong khâu tổ chức thi?
- Vừa qua lãnh đạo Bộ được phân công đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở những nơi khó khăn xem có vấn đề gì để kịp thời xử lý. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy giữa địa phương với trường đại học chủ trì đã có sự phối hợp rất tốt.
Đối với tỉnh chỉ có cụm thi đại học, những thí sinh ở xa điểm thi, đi lại khó khăn, Bộ đều nhắc nhở địa phương quán triệt chỉ thị 15 của Thủ tướng là bằng mọi cách phải đưa các cháu đến được địa điểm thi, không để cháu nào vì điều kiện khó khăn mà không thể đi thi.
Một số tỉnh đã kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ thí sinh như cung cấp chỗ ở, chỗ ăn miễn phí. Có tỉnh hỗ trợ chi phí đi lại cho thí sinh như Bình Dương cấp một triệu đồng cho mỗi thí sinh ở xa, Bình Phước hỗ trợ tiền tàu xe cho mỗi thí sinh 300.000 đồng.
Đến giờ phút này các địa phương vào cuộc rất tốt. Tất cả tỉnh thành đều rất phấn khởi vì cụm thi tổ chức ngay địa phương mình, học sinh không phải đi xa. Vì vậy, nơi nào cũng cố gắng xử lý kịp thời những vướng mắc.
|
Thứ trưởng Bùi Văn Ga.
|
- Với 70 cụm thi đại học và 50 cụm thi do Sở Giáo dục chủ trì, đề thi được bảo mật như thế nào?
- Từ chiều 29/6, đề thi đã được vận chuyển đến các cơ sở in sao và hoàn tất công việc in sao đề. Ngày mai, những điểm thi ở xa nhất, đi lại khó khăn so với nơi in sao sẽ nhận đề của tất cả các môn và tổ chức bảo quản. Ở đó có bộ phận an ninh trực 24/24h để đảm bảo đề được an toàn tuyệt đối.
Năm nay có một điểm thi ngoài đảo là Phú Quốc do Đại học Kiên Giang chủ trì. Điểm thi này được tổ chức nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, giúp các em không phải rời đảo vào đất liền vì đang mùa gió bão. Kiên Giang đã thuê máy bay vận chuyển đề ra tới nơi và được cơ quan an ninh bảo vệ an toàn.
Hiện Bộ giữ liên lạc với tất cả cụm thi. Chiều 29/6, các cụm thi đều báo cáo đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đón thí sinh đến làm thủ tục thi.
- So với năm 2015, đề thi năm nay thay đổi như thế nào thưa ông?
- Đề thi năm nay sẽ có cấu trúc y hệt như năm 2015 (60% là kiến thức cơ bản, 40% có mức độ khó để phân loại) nên Bộ không ra đề thi minh họa. Thí sinh có thể tham khảo đề thi năm trước để quen với dạng đề, khi làm bài không bỡ ngỡ.
Nói chung, đề thuộc chương trình phổ thông, chủ yếu lớp 12, không đánh đố, không bắt thuộc lòng máy móc mà thí sinh phải nắm vững và vận dụng được kiến thức vào thực tế. Các em chỉ cần ôn thi theo sách giáo khoa là có đủ kiến thức để làm bài tốt.
- Năm nay Bộ dự tính công bố điểm như thế nào để không bị nghẽn mạng như năm trước?
- Năm nay công tác chấm thi đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Thái Nguyên... sẽ thuận lợi vì có rất nhiều trường đại học chủ trì. Bài thi một số địa phương cũng sẽ được chuyển về thành phố lớn chấm nên Bộ lưu ý các trường phải hợp đồng kỹ càng với các thầy, cô tham gia chấm thi để đảm bảo tiến độ.
Sau khi có kết quả, Bộ giao cho các cụm công bố kết quả thi. Bộ đã nhắc các cụm chuẩn bị đường truyền, máy chủ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin để khi công bố đảm bảo không bị nghẽn mạng. Năm nay, việc công bố điểm thi sẽ phân tán ở 70 cụm thi do đại học chủ trì và 50 cụm thi do Sở chủ trì nên sẽ không có khó khăn cho việc truy cập.
|
Được mang những gì vào phòng thi? Đồ họa: Tiến Thành - Hoàng Thùy
|
- Lời khuyên của Thứ trưởng cho thí sinh là gì?
- Đây là kỳ thi "hai trong một", kết quả được sử dụng để vừa xét tốt nghiệp vừa xét vào đại học, cao đẳng, nên đề thi không quá khó. Các em chỉ cần tự tin, nắm chắc kiến thức đã học là làm bài tốt.
Năm ngoái, dù đã được nhắc nhở nhiều lần là không được mang điện thoại di động vào phòng thi nhưng hàng trăm thí sinh vẫn mắc lỗi này và bị đình chỉ. Các em nên nhớ chỉ được mang những vật dụng Bộ cho phép như bút, thước, Atlat địa lý, máy tính có chức năng đơn giản... Điện thoại các em nên gửi lại quầy trông coi của các anh chị tình nguyện viên, tuyệt đối không được mang vào phòng thi, vì dù mang vào mà không dùng các em vẫn bị đình chỉ thi.
Hoàng Thùy thực hiện
Let's block ads! (Why?)