Ngày 29/6, Thứ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đánh giá, sự việc máy bay Su-30 và CASA-212 rơi trên biển khi đang thực hiện nhiệm vụ là đặc biệt nghiêm trọng đối với quân đội.
“Tâm lý chung của các lãnh đạo quân đội cũng như của toàn quân, toàn dân là một cái tiếc, một cái đau, một sự xót xa. Chúng tôi với tư cách là những người chỉ huy quân đội còn là sự trăn trở, lo lắng cho đồng chí của mình", tướng Vịnh nói.
|
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: "Vụ việc này để rút kinh nghiệm cho những sự kiện trong tương lai".
|
Tướng Vịnh chia sẻ, những ngày qua công tác tìm kiếm, cứu nạn được thực hiện với nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó nòng cốt là quân đội. Toàn quân, từ Bộ trưởng, Tổng Tham mưu trưởng đến lãnh đạo bộ và các quân, binh chủng, cơ quan, đơn vị, tất cả những ai có thể tham gia được, tất cả trang bị của quân đội có thể sử dụng được… đều đã được huy động.
Khẳng định công tác tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của quân đội trong thời bình, tướng Vịnh cho rằng phải lấy bài học giải quyết vụ việc này để rút kinh nghiệm cho những sự kiện trong tương lai, đặc biệt là trong công tác tìm kiếm, cứu nạn và giúp dân trong thiên tai, bão lũ…
“Chúng ta phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm với mục đích không phải để kiểm điểm ai cả mà làm nhiệm vụ tốt hơn, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tốt hơn, tăng cường sức mạnh hơn nữa cho không quân nói riêng và cho quân đội nói chung", tướng Vịnh nói.
Cùng với đó, theo tướng Vịnh, không để sự việc này làm yếu đi tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ, chiến sĩ ở các binh chủng kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần rút kinh nghiệm công tác thông tin và truyền thông, bởi nếu không thông tin kịp thời, chính xác, có chừng mực thì sẽ bị loạn thông tin. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của gia đình những người gặp nạn, sau đó đến toàn dân.
"Vừa qua, các đồng chí ở Tổng cục Chính trị, Cục Tuyên huấn, đặc biệt là hệ thống báo chí Việt Nam đã cùng quân đội làm rất tốt việc này", ông Vịnh nói.
Về công tác hậu phương quân đội cho những quân nhân hy sinh, tướng Vịnh khẳng định, quân đội xác định có trách nhiệm với con cái quân nhân gặp nạn. Các đơn vị đều được giao chăm lo cho những gia đình, nếu có khó khăn về công ăn việc làm sẽ từng bước giải quyết theo nguyên tắc chung của quân đội và theo khả năng của địa phương.
Diễn biến hai máy bay gặp nạn
- Sáng 14/6, tiêm kích Su-30MK2 số hiệu 8585 gặp nạn ở vùng biển phía đông Nghệ An, gần đảo Mắt khi đang bay huấn luyện. Trên máy bay có thiếu tá Nguyễn Hữu Cường và thượng tá Trần Quang Khải. Một ngày sau, thiếu tá Cường được tàu ngư dân cứu sống.
- Ngày 16/6, tuần thám CASA 212 số hiệu 8983 mất liên lạc trên vùng biển Bạch Long Vỹ khi làm nhiệm vụ tìm kiếm phi công trên chuyến bay Su-30MK2. Trên máy bay có 9 quân nhân.
- Ngày 17/6, thi thể phi công Trần Quang Khải được tìm thấy.
- Ngày 16-17/6: 42 tàu của các lực lượng Việt Nam và hàng trăm tàu cá ngư dân tham gia tìm kiếm máy bay CASA. Bộ Quốc phòng huy động trang thiết bị hiện đại nhất.
- Ngày 20/6: Phát hiện vật thể có kích thước 13x4 m trong vùng tìm kiếm máy bay CASA, độ sâu 60 m.
- Ngày 21/6: Tập đoàn Airbus, Tây Ban Nha đề nghị phối hợp, giúp đỡ giải mã hộp đen máy bay CASA, tìm nguyên nhân tai nạn.
- Ngày 22/6: 15 tàu Trung Quốc phối hợp tìm kiếm cùng Việt Nam ở phía đông đường phân định vịnh Bắc Bộ.
- Ngày 23/6: Tìm thấy mảnh vỡ máy bay Su 30MK2 và động cơ máy bay CASA số hiệu 8983 cùng nhiều thi thể thành viên phi hành đoàn.
|
Theo Chinhphu.vn
Let's block ads! (Why?)