Phát biểu trong diễn đàn Vì Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thịnh vượng và thích ứng với khí hậu tổ chức ngày 27/6 tại TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà phải là nền nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị tăng cao của Đông Nam Á và rộng hơn là của châu Á.
"Nếu thực hiện được tầm nhìn này, chúng ta coi như đã hoàn thành được một trong những sứ mệnh khó khăn nhất của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và của nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng", ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, dù có nhiều tiềm năng nhưng sự phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL chưa xứng với tiềm năng, còn nhiều lợi thế bị bỏ ngỏ như: phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa; phát triển mô hình trang trại kết hợp nông nghiệp với du lịch; phát triển các ngành nghề chế biến nông sản, thành phẩm từ cây công nghiệp, dược liệu, xuất khẩu sản phẩm từ các làng nghề truyền thống…
Sắp tới, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh ĐBSCL phối hợp cùng các cơ quan chức năng của Chính phủ chỉ đạo xây dựng liên kết vùng, xây dựng chiến lược phát triển ĐBSCL để phát huy thế mạnh từng địa phương; tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ, phân công vùng nào, tỉnh nào, tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm hoặc trái cây gì cho phù hợp, tạo nên chuỗi liên kết về sản xuất và dịch vụ.
"Có tình trạng tỉnh nào biết tỉnh đó, thiếu kế hoạch liên kết vùng để hỗ trợ nhau cùng phát triển; khó kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp do xa nguồn năng lượng; chưa có chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp. Và dù là vựa lúa cả nước nhưng chưa tạo dựng được thương hiệu, uy tín, vẫn giá trị gia tăng thấp, nên giá trị xuất khẩu không cao", ông Phúc nói.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP
|
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương ĐBSCL cần tích hợp mục tiêu nông thôn mới với ứng phó biến đổi khí hậu. "Tôi đề nghị xây dựng và đề xuất tiêu chí nông thôn mới cho vùng ĐBSCL, đảm bảo tính phù hợp đặc thù của địa phương trước tình trạng hạn hán bất thường đã diễn ra. Đây là những việc cần làm ngay và báo cáo Thủ tướng vào quý 3 năm nay", ông đề nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới (WB), các Chính phủ, tổ chức quốc tế để cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra ở ĐBSCL. “Tất cả chúng ta cùng đoàn kết, cùng hợp tác, nhất trí, nhất quán trong lời nói và hành động để thực hiện thành công tầm nhìn phát triển ĐBSCL", Thủ tướng bày tỏ.
Tại diễn đàn, với tư cách là đối tác phát triển, bà Kwakwa - Phó Chủ tịch Vùng Đông Á và Thái Bình Dương Ngân hàng Thế giới - đánh giá những năm gần đây ĐBSCL chịu hạn hán nghiêm trọng, có nhiều đồng lúa bị thiệt hại do hạn hán, do đó cần chung tay để giúp vùng ứng phó.
"Chúng tôi đều có mục đích chung là giúp nông dân vùng ĐBSCL có khả năng đối phó với thách thức, mang lại thịnh vượng trong tương lai. Chúng ta phải điều chỉnh khả năng chống chịu như đắp hệ thống đê điều, trồng rừng phòng hộ; sử dụng nước tiết kiệm, thí điểm cơ chế sử dụng chung nguồn nước vùng ĐBSCL; áp dụng các kinh nghiệm và công nghệ mới để đối phó với sự biến đổi khó lường của biến đổi khí hậu trong tương lai", Bà Kwakwa nói.
Các báo cáo, nghiên cứu được đưa ra tại Diễn đàn đều cho rằng ĐBSCL đóng vai trò thiết yếu cho sự phát triển của Việt Nam nói chung và an ninh lương thực của khu vực khi sản xuất đến 50% tổng sản lượng lúa gạo của Việt Nam và 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước. Các vùng đất ngập nước và các vùng cửa sông của ĐBSCL là nguồn đa dạng sinh học quan trọng.
Tuy nhiên, trong hơn một thập kỷ gần đây, nhiều thay đổi cả về tự nhiên và do con người gây ra đã tạo sức ép phát triển lớn đối với cả vùng ĐBSCL. Trong dài hạn, các cộng đồng dân cư duyên hải ĐBSCL được dự báo sẽ là đối tượng hứng chịu những tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có hiện tượng nước biển dâng và những cơn bão nhiệt đới có xu hướng ngày càng mạnh. Sản lượng lúa gạo ở ĐBSCL được dự báo sẽ giảm 6-12% vì ngập lụt và xâm nhập mặn.
|
Hữu Công
Let's block ads! (Why?)