Tại phiên họp thứ 47 chiều 25/4, các uỷ viên thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 và cho ý kiến chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14.
|
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp thứ 47 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
|
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến kỳ đầu tiên của khóa mới diễn ra trong 15 ngày và một ngày dự phòng. Phiên khai mạc sẽ vào 20/7 và bế mạc ngày 9/8.
Kỳ họp sẽ nghe phát biểu của Tổng Bí thư; Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu.
Quốc hội sẽ dành 11 ngày để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của nhà nước. Cụ thể là Bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao...
Đánh giá về kỳ họp vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng vấn đề nhân sự là một bài học kinh nghiệm quý báu cho khóa sau. Theo ông, thời gian tiến hành tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp Quốc hội phải làm sát nhau hơn. Nếu để đến tháng ba Quốc hội mới họp kiện toàn nhân sự như vừa qua, rồi đến tháng 7 tới lại làm nữa thì không hợp lý.
“Hai kỳ họp Quốc hội làm gần nhau quá thì không linh thiêng lắm”, ông Chiến nói.
Đổi mới tuyên thệ
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt đều cho rằng, nghi thức tuyên thệ ở kỳ họp vừa qua chưa chặt chẽ, đồng bộ. Khi tuyên thệ đoàn Chủ tịch và các đại biểu Quốc hội phía dưới đều ngồi, có người còn đứng dậy quay phim, chụp ảnh rất lộn xộn.
"Khi các tân lãnh đạo tuyên thệ thì Quốc hội phải đồng loạt đứng lên, xong rồi ngồi xuống mới đảm bảo nghiêm trang, thống nhất", tướng Tỵ đề xuất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị phải nghiên cứu nghi thức tiến hành tuyên thệ. "Các nước tuyên thệ chỉ có 36 từ, rất ngắn và có đại diện phía tòa đứng bên làm chứng, còn mình thì không có. Chúng ta nên đồng loạt đứng để chứng kiến cho nghiêm túc", bà Ngân nói.
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, nghi thức tuyên thệ là việc làm mới, nước ngoài Chánh án không tuyên thệ, còn ở ta lại có. "Đại biểu Quốc hội đứng lên nghe Chánh án tuyên thệ không phù hợp lắm", ông nói.
Tuy nhiên, Tổng thư ký cũng cho biết sẽ nghiên cứu việc đại biểu đồng loạt đứng hay ngồi, cờ phía trước hay sau cho đồng bộ để nghi thức tuyên thệ được trang trọng nhất.
Hoàng Thuỳ
Let's block ads! (Why?)