|
Hàng trăm tăng ni, phật tử đến từ hai nước Việt Nam và Thái Lan trang nghiêm cung nghinh kinh Phật cổ 2.000 năm tuổi được khắc trên lá bối. Ảnh: Đắc Đức.
|
Sáng 26/4, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tỉnh Thừa Thiên - Huế), hệ phái Phật giáo Nam Tông tại Huế cùng chư tôn đức tăng ni, phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Thái Lan đã trang nghiêm cung nghinh bản kinh cổ 2.000 năm tuổi khắc trên lá bối từ Na Uy về an vị, triển lãm tại chùa Huyền Không (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế).
Bộ Tam tạng kinh được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa nhân loại sẽ được trưng bày tại chùa Huyền Không trong 2 ngày 26-27/4, trước khi được đưa về lại Na Uy.
Đây là cổ vật văn hóa đặc biệt nằm trong bộ sưu tập của ông Schoeyen, một học giả và là nhà khảo cổ Na Uy, vốn được khai quật trong chuỗi hang động nằm giữa biên giới Pakistan và Afghanistan, gần vị trí hai pho tượng Phật đứng, tạc trong núi đá đã bị lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban cho nổ mìn phá hủy vào năm 2001.
|
Lần đầu tiên, những lá kinh được xem là báu vật vô giá của Phật giáo thế giới được trưng bày tại Việt Nam để phật tử chiêm bái. Ảnh: Đắc Đức.
|
Thượng tọa Pháp Tông, Trưởng hệ phái Phật giáo Nam tông tại Thừa Thiên - Huế, trụ trì chùa Huyền Không cho hay, bản kinh Phật cổ triển lãm lần này sẽ có những tịch (lá) là các đoạn trong Tạng kinh, Tạng vi diệu pháp, Tạng luật và các bản kinh của Mahayana.
"Đây là một chứng liệu hùng hồn về lời dạy của Đức Phật trong việc giáo dục con người, chuyển hóa thân tâm từ chỗ đang nhiều khiếm khuyết đến mức hoàn thiện hơn về mặt nhận thức, quan tâm đến đồng loại chúng sinh hơn. Ngoài ra, kinh cũng thể hiện một giai đoạn huy hoàng của Phật giáo 2.000 năm trước", thượng tọa Pháp Tông nói và cho biết trước khi về Việt Nam, Tam tạng kinh đã được trưng bày tại một ngôi chùa nổi tiếng ở Thái Lan.
Đắc Đức
Let's block ads! (Why?)