Chiều 27/4, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, đã có công văn gửi UBND thành phố về hiện tượng cá biển chết. Theo đó, 5 ngày qua Sở nhận được phản ánh của người dân phát hiện cá chết dạt vào bãi Đa (bán đảo Sơn Trà) và bờ biển Đà Nẵng.
Sau khi chỉ đạo Chi cục Thủy sản cử cán bộ đi thực tế kiểm tra, Sở Nông nghiệp cho biết có 17 con cá dạt vào bờ trong tình trạng phân hủy mạnh. Số này có cá nóc nhím, cá mó, bò da, nhói, đuối, nhồng, dìa và cá chình.
Ghi nhận của VnExpress tại các bãi biển ở Đà Nẵng, cá chết rất ít. Sáng 27/4, một cá chình chết trong tình trạng đang phân hủy, dạt vào bãi biển Nam Ô nhưng cách đó cả cây số không phát hiện thêm bất cứ xác cá nào.
|
Một con cá chình chết trong tình trạng đang phân hủy, dạt vào bãi biển Nam Ô sáng 27/4. Ảnh: Nguyễn Đông.
|
Về nguyên nhân cá chết, báo cáo của Sở Nông nghiệp nêu: "Có thể trong quá trình khai thác của ngư dân, một số cá thể bị thương ngoài biển, các tàu cá thu hồi ngư cụ bị thất thoát cá dẫn đến một số loài bị chết, lâu ngày dạt vào bờ".
Ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng cho biết thêm, mấy con cá dạt vào bờ đã hôi thối, chứng tỏ chết 4-5 ngày. "Chỗ bãi biển Mân Thái có chợ, bà con đưa cá về đấy bán có tình trạng cá hư, dập nát không bán được thì vứt xuống biển, rồi cá theo sóng lại dạt vào bờ", ông Khánh nói.
Theo nhận định của ông Khánh, nếu nước biển ở Đà Nẵng nhiễm độc thì cá tại các lồng bè do người dân nuôi đã chết trước. Nhưng kiểm tra thực tế không ghi nhận hiện tượng này. "Đây cũng chỉ là nhận định ban đầu, còn phải tiếp tục theo dõi cũng như chờ kết quả kiểm tra mẫu nước để có giải pháp kịp thời", ông nói.
3 tuần qua, dọc bờ biển dài 208 km từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, người dân và lực lượng chức năng phát hiện hàng chục tấn cá chết, trong đó có con cá chết nặng đến 35kg. Nguyên nhân cá chết vẫn đang được điều tra.
Nguyễn Đông
Let's block ads! (Why?)