Ngày 29/4, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm, công nhận lãnh đạo Đại họcViệt - Nhật (trường thành viên thứ 7). Ông Furuta Motoo (67 tuổi, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt, Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam) được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Ông Tô Huy Rứa, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương là hiệu trưởng danh dự. Ông Vũ Anh Dũng làm hiệu phó.
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết đây là lần đầu tiên Đại học Quốc gia bổ nhiệm hiệu trưởng trường đại học thành viên là người nước ngoài.
"Đại học Việt - Nhật đi vào hoạt động sau thời gian chuẩn bị của chuyên gia 2 nước. Thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, nhưng với sự điều hành của GS Furuta, người có nhiều năm là Phó giám đốc Đại học Tokyo và sự hỗ trợ của Chính phủ, chuyên gia hai nước, tôi tin Đại học Việt - Nhật sẽ phát triển là một trong những điểm sáng của đại học Việt Nam", Bộ trưởng nói.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (phải) trao quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Đại học Việt - Nhật cho GS Furuta.
|
GS Furuta Motoo chia sẻ cảm thấy vinh dự khi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Đại học Việt - Nhật. Từng nghiên cứu về Việt Nam từ những năm đầu 1970, ông luôn mong muốn là cầu nối nhỏ giữa hai nước. "Đại học Việt - Nhật là biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam đang phát triển toàn diện. Có thể nói giữa hai nước vào đầu thế kỷ 20 có phong trào Đông du thì vào thế kỷ 21 có Đại học Việt - Nhật. Chính phủ Nhật Bản và nhiều đại học hàng đầu của Nhật Bản đang tích cực hợp tác với Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc xây dựng Đại học Việt - Nhật", tân hiệu trưởng nói.
GS Furuta cho hay, khi nhận cương vị đứng đầu Đại học Việt - Nhật, ông muốn phát triển trường theo ba định hướng. Thứ nhất là xây dựng trường theo mô hình đại học xuất sắc, hướng đến trở thành một trường đại học nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có năng lực thực tiễn để đáp ứng nhu cầu của xã hội Việt Nam.
Thứ hai, đại học Việt - Nhật hướng đến một mô hình trường đại học mới chưa có tại Việt Nam, một trường có tính tự chủ cao. Và thứ ba là Đại học Việt - Nhật sẽ chú trọng những lĩnh vực liên ngành gồm cả ngành tự nhiên và ngành xã hội, kết hợp giữa hợp tác trong những lĩnh vực tiên tiến mà Nhật Bản có thế mạnh với định hướng đào tạo ra những sinh viên có tầm nhìn rộng.
"Từ quan điểm này, chương trình đào tạo thạc sĩ khai giảng vào tháng 9/2016 dự kiến bắt đầu từ khoa "Khoa học bền vững", trong đó bao gồm 6 chương trình là Khu vực học, Chính sách công, Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ nano và Kỹ thuật hạ tầng", GS Furuta nói.
Đại học Việt - Nhật được thành lập ngày 21/7/2014 với mục tiêu trở thành trường đại học chất lượng quốc tế, là biểu tượng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trường được xây dựng theo mô hình các trường đại học tiên tiến của Nhật Bản, có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, vận hành theo quy chế tổ chức và hoạt động đặc thù do Thủ tướng Việt Nam ban hành.
Theo quy hoạch, đại học Việt - Nhật được xây dựng tại Hòa Lạc trên diện tích 75 ha, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ, vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đến nay, đất của dự án đã giải phóng mặt bằng được trên 90%.
Trong đợt 1 kỳ tuyển sinh của năm học đầu tiên 2016-2017, đã có 155 ứng viên đến tham gia phỏng vấn. Theo kế hoạch, trường sẽ tiếp tục tuyển sinh đợt 2, dự kiến hạn cuối nhận hồ sơ dự tuyển là 10/6, thời gian phỏng vấn từ 21/6 đến 27/6.
Hoàng Thùy
Let's block ads! (Why?)