16h ngày 27/7, tâm bão Mirinae ngay trên vùng biển các tỉnh Thái Bình - Ninh Bình với sức gió mạnh nhất 90 km/h (cấp 9). Bão theo hướng tây tây bắc và sẽ đổ bộ vào Thái Bình - Nam Định, ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
|
Dự báo đường đi của bão. Ảnh: NCHMF.
|
Tại Quảng Ninh, để đảm bảo an toàn, đến 17h ngày 26/7, gần 2.000 khách du lịch tại đảo Cô Tô đã được đưa vào bờ. Còn hơn 600 khách du lịch, trong đó có 5 khách nước ngoài có nhu cầu ở lại, đã được huyện Cô Tô đảm bảo chỗ ăn nghỉ.
Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh đã dừng cấp phép cho tàu du lịch đưa khách thăm vịnh Hạ Long từ 6h sáng. Gần 500 tàu du lịch hoạt động tại Cảng tàu khách Tuần Châu đã chạy về nơi tránh trú an toàn.
Trưa nay, Quảng Ninh và các tỉnh ven biển bắt đầu có mưa. Nhận định bão nhỏ, nhưng vẫn trong vùng ảnh hưởng trực tiếp với lượng mưa dự báo lớn, nên Quảng Ninh đã chuẩn bị các phương án ứng phó. Lãnh đạo tỉnh lo lắng khi những chỗ sạt lở từ trận mưa năm ngoái vẫn chưa khắc phục xong, nếu mưa lớn càng khiến việc này khó khăn hơn.
|
Tàu thuyền ở Quảng Ninh vào bờ neo đậu. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
|
Trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Đức Long yêu cầu các lực lượng tập trung rà soát, kiểm tra phương tiện thủy hoạt động trên vịnh Hạ Long. Với 100 học sinh tham gia trại hè tại khách sạn đảo Rều, ông Long yêu cầu không để tàu vận chuyển các em từ đảo về đất liền khi khu vực đang có giông lốc.
Ở nhiều điểm nguy cơ sạt lở, ông Long đề nghị chính quyền cần di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, tránh thiệt hại về người và tài sản khi bão về.
UBND Hải Phòng cũng có công văn chỉ đạo các địa phương chuẩn bị phương án neo đậu tránh trú bão. Hiện gần 3.000 tàu thuyền, 500 lồng bè và 175 chòi với với trên 10.000 lao động biết vị trí và hướng đi của bão, neo đậu vào nơi an toàn. Nhà cửa cũng đã được nhân dân chèn, chống chắc chắn.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh thành lập 6 đoàn công tác về các địa bàn xung yếu hỗ trợ ngư dân khi cần.
Cũng nằm trong vùng bão đi qua, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Nam Định yêu cầu các địa phương, đơn vị cấm biểm, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 11h hôm nay.
Chủ tịch Phạm Đình Nghị yêu cầu hoãn tất cả cuộc họp không cần thiết, tập trung chống bão; kêu gọi tàu thuyền trên biển vào nơi trú bão an toàn. Các địa phương, nhất là thành phố Nam Định cần di dời người và tài sản tại các cửa sông, ven biển, ngoài đê, du khách tại khu du lịch đến nơi an toàn. "Kiên quyết không để người ở lại các chòi canh ven biển, trên tàu cá", ông Nghị nhấn mạnh.
Ông Nghị cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân chủ động chằng chống nhà cửa kho tàng, trường học, bệnh viện, đảm bảo an toàn các công trình cao tầng, cột điện, cột thu phát sóng viễn thông.
Trên 2.000 tàu thuyền với khoảng 5.000 ngư dân đã được thông báo về cơn bão và neo đậu tại cảng cá và các bến cá trong tỉnh, một số neo đậu ở Hải Phòng. Tỉnh đã cho rút nước đệm chống úng để bảo vệ trên 76.000 ha lúa mùa mới cấy.
Tại Thái Bình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra nơi neo đậu tàu thuyền tại cảng Diêm Điền, kiểm tra hệ thống đê biển Thái Bình và việc phòng tránh bão tại công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Phó thủ tướng nhấn mạnh cơn bão đầu tiên của năm nay trên biển Đông di chuyển rất nhanh, diễn biến phức tạp và theo dự báo thì Thái Bình sẽ là trung tâm ảnh hưởng nên không được chủ quan.
|
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tại cảng Diêm Điền (huyện Thái Thụy). Ảnh: Báo Thái Bình.
|
Để phòng chống, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do mưa bão, Phó thủ tướng chỉ rõ nhiệm vụ số 1 là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Các địa phương ven biển, đặc biệt là Thái Bình cần tập trung, khẩn trương, quyết liệt hơn nữa trong việc kêu gọi tàu thuyền vào khu vực tránh trú bão an toàn, di dời người dân khỏi các cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, Thái Bình cần theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, nước dâng ở các sông ngòi, chủ động bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, có kế hoạch sơ tán, di dời dân khỏi những khu vực có khả năng lũ quét, sạt lở cao.
Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình đến 12h hôm nay đã kêu gọi 1.290 tàu, thuyền với 3.520 lao động khai thác thủy, hải sản vào bờ tránh trú bão. Đơn vị này cũng duy trì 4 tàu, 7 ca nô, 7 ô tô các loại, cử 180 cán bộ, chiến sĩ túc trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Minh Khôi
Let's block ads! (Why?)