Dọc quốc lộ 3, cách TP Cao Bằng khoảng 30 km, khách đi đường sẽ thấy những lò rèn đỏ lửa bày bán sản phẩm nông cụ ngay tại đó. Nhiều người tò mò dừng lại được chủ lò nhiệt tình mời uống trà, nước và giới thiệu về nghề rèn truyền thống.
|
Nghề rèn tại xã Phúc Sen đã tồn tại hàng trăm năm nay đem lại thu nhập cho bà con. Ảnh: Hồng Vân
|
Hơn 20 năm làm nghề rèn, trong đó 18 năm làm thợ chính, từ nhỏ anh Nông Văn Tờ đã được ông nội và bố dạy những kiến thức cơ bản để khi lớn lên bắt tay vào công việc không còn bỡ ngỡ. Hiện tại, anh dạy nghề cho người cháu trai trong họ, mỗi ngày hai chú cháu dậy sớm tranh thủ trời râm mát làm việc cho hiệu quả.
“Ban đầu chỉ được đốt lò, quai búa phụ việc cho người lớn, sau vài năm quen việc và có kinh nghiệm thì tôi được giao đứng lò chính. Nghề rèn ở xã này về cơ bản là các công đoạn giống nhau nhưng mỗi gia đình lại có bí quyết riêng để sản phẩm làm ra tốt, bền. Mọi sản phẩm chúng tôi vẫn rèn thủ công nên rất cần vào kinh nghiệm”, anh Tờ chia sẻ.
Thợ rèn ngoài sức khỏe, chăm chỉ thì phải có tố chất và đam mê mới có thể theo nghề lâu dài. Nhiều người phải mất vài năm mới thành thạo nhưng có người trẻ tuổi chịu khó học hỏi, yêu nghề và có một chút năng khiếu riêng đã có thể tự đứng riêng một lò.
|
Mỗi công đoạn để hoàn thành một sản phẩm yêu cầu người thợ rèn phải chau chuốt kĩ lưỡng. Ảnh: Hồng Vân
|
Các sản phẩm nông cụ ở Phúc Sen trải qua quy trình tương đối giống nhau. Tùy từng món đồ định chế tạo, người làm chọn cỡ nhíp cho phù hợp, đưa vào lò nung đỏ rồi đập, tạo hình, mài cho đến khi có được sản phẩm ưng ý về màu sắc, độ sắc, bền. Mỗi ngày trung bình một người làm được khoảng 3-4 sản phẩm. Hiện nay, nhiều người đầu tư mua thêm búa máy sử dụng đối với những nông cụ cỡ lớn giúp tiết kiệm sức lao động và rút ngắn thời gian.
Để hoàn thiện mỗi con dao, liềm, cuốc... người thợ dùng nhiều sức để đập, quai búa, mài, vừa làm vừa chú ý sao cho mỗi công đoạn đúng kỹ thuật nhất. Nếu không chú ý để lửa quá to hoặc quá nhỏ sẽ khiến thép khi đưa vào tôi bị giòn, dễ hỏng. Khi làm cán dao, người dân Phúc Sen dùng một loại đất chỉ có ở vùng này gắn vào để cán dao bền thay vì hàn như những nơi khác.
Anh Nông Văn Lợi đã có kinh nghiệm hơn 30 năm đứng lò chính cho biết nghề rèn tại Phúc Sen đã có hàng trăm năm. Anh nghe người già trong họ kể chuyện từ thời các cụ đã biết rèn nông cụ bán. Trước đây chỉ một vài nhà có lò rèn vì mỗi nhà lại có bí quyết riêng nên chỉ truyền dạy trong gia đình. Sau này sinh con đẻ cái, mỗi người con trai xin mở một lò rèn riêng nên số lượng tăng lên.
|
Các sản phẩm nông cụ sau khi rèn xong được bày bán luôn tại lò rèn. Ảnh: Hồng Vân
|
Nhà anh Lợi nằm trong khu du lịch cộng đồng thôn Pác Rằng, tuy không gần đường lớn nhưng du khách tham quan khá đông, mỗi người đến lại mua một số sản phẩm mang về. Anh Lợi truyền nghề cho con trai duy nhất trong nhà, dự định vài năm nữa sẽ nghỉ làm. Bởi theo anh “con mắt đã mờ, đôi tay đã yếu không còn dẻo dai”, có làm được nông cụ cũng không đạt chất lượng cao.
“Một số gia đình không chỉ truyền cho con trai mà còn truyền cho con rể vì thương con cháu chỉ làm ruộng, vườn không đủ ăn. Ngoài canh tác nông nghiệp, sản phẩm từ nghề rèn giúp chúng tôi có của ăn của để nuôi con cái ăn học”, anh Lợi nói.
Nhiều gia đình chuyển ra cạnh đường sinh sống, mở lò rèn đồng thời bán lẻ các loại nông cụ cho khách. Các sản phẩm dao động 20-200 nghìn đồng. Mỗi phiên chợ tại các vùng lân cận, nếu có thời gian bà con đem liềm, dao, cuốc, xẻng... tới bày bán. Nhiều khách quen ở xa tận Hà Nội, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn... đặt mua theo lô số lượng lớn sau khoảng 15-20 ngày đến lấy.
Chị Hà Thị Nam (huyện Nguyên Bình) cho hay, thường đến lấy hàng tại Phúc Sen, nông cụ cầm hơi nặng tay nhưng bền, sắc bén và chắc chắn nên bà con nông dân rất ưa chuộng.
Nghề truyến thống của người dân Phúc Sen vừa để giữ gìn bản sắc, vừa giúp nâng cao đời sống kinh tế. Công đoạn cuối cùng trước khi hoàn tất một sản phẩm đó là chủ lò rèn đóng dấu nổi tên cơ sở của gia đình lên, khi sử dụng thấy bền, tốt, lần sau khách hàng sẽ giới thiệu cho người quen tới mua.
Hồng Vân
Let's block ads! (Why?)