Chính phủ vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Báo cáo này khẳng định nguyên nhân là do các độc tố Phenol, Xyanua từ nguồn thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh.
Theo giải thích của Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà trong cuộc trả lời phỏng vấn VnExpress trước đó, các nhà khoa học đã xác định chất thải của Formosa Hà Tĩnh trộn với nhau ra một hợp chất phức nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại phenol, xyanua vào. "Nó như một tấm chăn khổng lồ chứa độc cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hóa học ở đó và khiến cá ở tầng đáy chết hàng loạt".
Về quá trình đấu tranh, làm việc trực tiếp, buộc Formosa Hà Tĩnh thừa nhận trách nhiệm gây ra sự cố, Chính phủ cho biết với tinh thần cương quyết, khôn khéo, các cơ quan chức năng đã buộc phía Formosa phải thừa nhận 53 sai phạm hành chính, trong đó có những vi phạm hành chính như: Tự ý thay đổi trái phép công nghệ luyện cốc từ dập cốc khô (dùng khí trơ) sang công nghệ dập cốc ướt (dùng nước), không xây lắp bể lọc của trạm xử lý nước thải sinh hoá theo cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, và chịu chấp thuận các yêu cầu của Việt Nam.
|
Sự cố môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung đã khiến cá chết hàng loạt. Ảnh: Đức Hùng
|
Vẫn tồn tại màng bám tại khu vực san hô
Theo báo cáo, Bộ Tài nguyên và môi trường đang triển khai chương trình khảo sát, điều tra, đánh giá ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung. Qua kết quả quan trắc cho thấy, tại thời điểm xảy ra sự cố, môi trường nước biển bị ô nhiễm bởi một số thông số Sắt, Phenol, Amoni,… nhưng đến nay mức độ ô nhiễm môi trường nước có xu hướng giảm dần, chất lượng nước biển đảm bảo an toàn cho mục đích tắm biển, du lịch.
Về đánh giá tồn lưu ô nhiễm, kết quả khảo sát bằng hình ảnh cho thấy, vẫn tồn tại lớp huyền phù, màng bám keo tụ tại các khu vực san hô, nền đá cứng và một số khu vực trầm tích dưới đáy biển. Mức độ ô nhiễm và tính chất của hợp chất ô nhiễm sẽ được đánh giá chính xác sau khi có kết quả phân tích mẫu trong tháng 8/2016.
Trường hợp các kết quả phân tích cho thấy vẫn còn ô nhiễm tồn lưu trầm tích đáy biển cần phải xử lý, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế để nghiên cứu các kinh nghiệm về xử lý ô nhiễm trầm tích biển, bùn biển trên thế giới, lựa chọn công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam và đặc điểm của chất ô nhiễm tồn lưu.
Đồng thời, Chính phủ sẽ chỉ đạo thành lập Hội đồng khoa học liên ngành để thẩm định công nghệ và phương án khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường với sự tham gia của các bộ ngành, địa phương và các nhà khoa học đầu ngành. Tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn đơn vị xử lý, tiến hành xử lý thí điểm tại khu vực Cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh).
Dự kiến trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, thành lập tổ giám sát, theo dõi hoạt động xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra tại một số tỉnh miền Trung. Công bố kết quả xử lý môi trường biển trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ nay đến hết tháng 9, Bộ Tài nguyên sẽ tiến hành đợt thanh tra diện rộng đầu tiên đối với các cơ sở có nguồn thải lớn ra lưu vực sông, vùng ven biển trên phạm vi cả nước.
Về kiểm điểm trách nhiệm, Chính phủ cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, làm rõ trách nhiệm đối với những thiếu sót. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời, đã giao Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Chính phủ cũng đã phân công các bộ ngành xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, phấn đấu trong tháng 8/2016 việc bồi thường thiệt hại trực tiếp đến được với người dân.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khiến đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung lao đao.
Để tìm nguyên nhân, một số bộ ngành liên quan cùng các viện nghiên cứu, 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung và cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả, cải tạo môi trường.
Sự cố môi trường gây ra những hậu quả nào
- Trên 100 tấn hải sản tự nhiên (chủ yếu là hải sản sống ở tầng đáy) bị chết trôi dạt vào bờ, hải sản bị chết chìm xuống đáy biển còn khá lớn.
- 17.682 tàu thuyền khai thác hải sản với 40.966 người trực tiếp, 176.285 người phụ thuộc bị ảnh hưởng do sự cố môi trường gây ra. Sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng bị thiệt hại ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng.
- Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch. Có 1.613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000 m3), tương đương 140 tấn cá; có 6,7 ha diện tích nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn; có trên 10 ha nuôi cua bị chết.
- Tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng do sự cố, tỷ lệ khách huỷ tour khoảng 50%, công suất sử dụng phòng giảm từ 40 đến 50% só với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt tại Hà Tĩnh, công suất sử dụng phòng sau thời điểm sự cố xảy ra chỉ từ 10 đến 20%.
- Thiệt hại về môi trường sẽ được công bố vào đầu tháng 8/2016. Sơ bộ, diện tích các rạn san hô bị tác động trực tiếp khoảng 450 ha, tại một số điểm khảo sát ban đầu đã được ghi nhận trung bình 40% đến 60% rạn san hô bị phá huỷ.
- Ngoài ra còn có các hậu quả về xã hội, an ninh chính trị.
|
Let's block ads! (Why?)