19 năm trước (năm 1997), tôi viết bài đăng trên mục Ý kiến nhà khoa học của báo Nhân dân. Được biết bài này được chọn là một trong 10 bài quan trọng trong ngày để ban thư ký tóm tắt cho Thủ tướng đọc. Ngoài ra, chiều 17/7/1997, ngày báo phát hành, Vụ trưởng Vụ sau đai học Phạm Sĩ Tiến đã điện thoại cho tôi, lúc đó đang ở TP HCM, để cảm ơn. Ít lâu sau, ông cũng đã đề nghị tôi đến thuyết trình (ngày 6/3/2000) về đề tài này tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nơi mà theo ông, đang rất dễ dãi trong việc cấp bằng tiến sĩ. Những phản ứng ban đầu của những vị có trách nhiệm của nhà nước như vậy rất tích cực, đáng phấn khởi. Ý kiến này viết cách đây đã 19 năm, nhưng rất tiếc sau đó tình hình ngày càng trầm trọng hơn.
VnExpress giới thiệu ý kiến của GS Trần Văn Thọ về vấn đề đào tạo tiến sĩ 19 năm trước:
|
GS Trần Văn Thọ.
|
Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) của Đảng Cộng sản Việt Nam có phương châm xác định giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu. Sau đó đã thấy một số nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc triển khai phương châm này. Những có gắng trong lĩnh vực đào tạo sau đại học cũng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc đào tạo và cấp các văn bằng trên đại học, nhất là văn bằng tiến sĩ, cần được chuẩn bị chu đáo hơn để đảm báo chất lượng của văn bằng. Trong phạm chuyên môn của mình, ở đây tôi xin góp một số ý kiến trong lĩnh vực kinh tế học.
Trong phạm vi tôi được biết, hiện nay có khá nhiều cơ quan ở Hà Nội và TP HCM tổ chức các khóa đào tạo tiến sĩ kinh tế học. Riêng ở Hà Nội có ít nhất 10 cơ quan đang đào tạo nghiên cứu sinh, trong đó một số không nhỏ theo hình thức không học tập trung. Nhiều cơ quan không có điều kiện cung cấp các môn học cần thiết phải gửi nghiên cứu sinh sang học tập tại các nơi khác. Theo tính toán bước đầu, sau vài năm nữa, trung bình mỗi năm Việt Nam sẽ có ít nhất 100 tiến sĩ mới trong ngành kinh tế học.
Nếu chất lượng được bảo đảm tương đương với trình độ quốc tế thì đây là một chuyện đáng mừng. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều nghi vấn về vấn đề này. Ta đã có đủ điều kiện khách quan để đào tạo một số lượng lớn tiến sĩ mới như vậy chưa? Trước khi trở lại vấn đề Việt Nam, tôi xin giới thiệu chế độ đào tạo và cấp bằng tiến sĩ tại Mỹ (mà nhiều nước đã và đang tham khảo), và giới thiệu phương châm đào tạo tiến sĩ tại Thái Lan, một nước gần gũi với ta về nhiều phương diện.
Mỹ chú trọng kiểm tra chất lượng học tập và mở rộng cửa cho tất cả ai đạt tiêu chuẩn khách quan về trình độ, không câu nệ số tuổi hoặc số năm học của nghiên cứu sinh. Sau khi thi đỗ vào khóa trình tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải học các môn học cơ bản có trình độ cao cấp và ít nhất hai môn trong số chuyên ngành. Cường độ học tập rất lớn, mỗi môn học hai buổi mỗi tuần với lượng sách tham khảo khá lớn và thường có thi kiểm tra hàng tuần hoặc hàng tháng. Có thể nói nghiên cứu sinh phải miệt mài học tập ngày đêm mới theo kịp.
Sau thời gian học tập này và lấy đủ các tín chỉ cần thiết, nghiên cứu sinh sẽ thi kỳ thi tổng hợp (comprehensive exam) về kinh tế học. Nếu thi đỗ, nghiên cứu sinh sẽ chuẩn bị đề cương luận án. Nếu đề cương được thông qua trong hội đồng khoa học của trường, nghiên cứu sinh trở thành ứng viên (candidate) tiến sĩ và bắt đầu thực hiện kế hoạch nghiên cứu, điều tra và viết luận án. Ngoài tính khoa học, logic tất nhiên phải có, một luận án tiến sĩ phải có hai tính chất quan trọng.
Thứ nhất, là tính học thuật (academic) trong đó vẫn đề phải được triển khai bằng ngôn ngữ khoa học, bằng những khung lý luận cơ bản trong ngành và gói ghém có phê phán tất cả lý luận, kết quả mà các công trình nghiên cứu trước đã đạt được liên quan đến đề tài của mình. Thứ hai, là tính độc sáng (originality), luận văn phải đặt ra được những giả thuyết hay lý luận mới và kiểm chứng bằng những tư liệu mới.
Về trường hợp của Thái Lan, ở đây chủ yếu giới thiệu phương châm đào tạo tiến sĩ kinh tế học của trường Thammasat, một trong những đại học có uy tín nhất về khoa học xã hội và nhân văn của nước này và là đại học mở khoa kinh tế học đầu tiên tại Thái Lan. Đại học Thammasat ra đời năm 1934 và mở khoa kinh tế vào năm 1949. Hiện nay (1997) khoa có 80 cán bộ giảng dạy, trong đó 50 người có bằng tiến sĩ kinh tế học. Tất cả 50 người đều được đào tạo tại nước ngoài, chủ yếu là Mỹ.
Với một lực lượng giáo viên hùng hậu như vậy, nhưng Thammasat vẫn đang rất thận trọng trong việc đào tạo bậc tiến sĩ. Ngay cả bậc thạc sĩ, mỗi năm chỉ nhận tối đa 50 nghiên cứu sinh trong chương trình dạy bằng tiếng Thái, nghĩa là mỗi cán bộ có bằng tiến sĩ trung bình mỗi năm chỉ hướng dẫn làm luận án thạc sĩ cho một nghiên cứu sinh.
Ngoài ra họ có chương trình đào tạo thạc sĩ dạy bằng tiếng Anh, có sự tham gia giảng dạy cả các giáo sư thỉnh giảng người nước ngoài và mỗi năm chỉ nhận độ 15 nghiên cứu sinh. Về việc đào tạo tiến sĩ kinh tế học, Thammasat gửi các giáo viên trẻ sang học tại các nước Âu, Mỹ, phần lớn theo các chương trình giúp đỡ của các quỹ tài trợ lớn như Rockfeller Foundation.
Ở trong nước, trước đây họ có làm thử (chương trình hệ tiếng Thái), mỗi năm nhận vài nghiên cứu sinh đã có bằng thạc sĩ kinh tế, nhưng sau thấy khó bảo đảm chất lượng của văn bằng tiến sĩ, học phải bãi bỏ chương trình này vào năm 1993, và thay vào đó bằng chương trình hệ tiếng Anh, có sự tham gia đào tạo của giáo sư nước ngoài. Tuy nhiên, số người được nhận vào chương trình mới này cũng rất ít, hiện nay chưa tới 10 nghiên cứu sinh theo học.
Trở lại vấn đề của Việt Nam, tôi chia sẻ với quan tâm và nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các lãnh đạo khoa học Việt Nam muốn nhanh chóng có một đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, ai cũng đồng ý rằng phải bảo đảm chất lượng của việc đào tạo. Các văn bằng đào tạo tại Việt Nam ngay từ đầu phải làm cho thế giới thừa nhận là tương đương với trình độ quốc tế.
Nhưng, hiện nay ta đã có thể đào tạo mỗi năm cả trăm tiến sĩ kinh tế học với chất lượng tương đương với thế giới chưa? Cơ sở đào tạo và cơ chế về kiểm tra chất lượng đã hoàn chỉnh chưa? Số người có năng lực hướng dẫn đã đủ nhiều chưa? Đây là những vấn đề cần đặt ra. Đó là chưa nói đến một thực tế rất nhiều khách quan là tư liệu nghiên cứu và thông tin về những công trình nghiên cứu mới trên thế giới còn quá ít tại Việt Nam. Thông thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, là điều kiện không thể thiếu của một nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ, nhưng dù có đủ điều kiện này, nghiên cứu sinh cũng không thể theo kịp những nghiên cứu mới trong môi trường thiếu tư liệu và thông tin như hiện nay.
Trong 9 tháng làm việc tại Hà Nội (từ tháng 9/1996 đến tháng 5/1997), tôi có dự 8 buổi bảo vệ luận án phó tiến sĩ tại bốn cơ quan khác nhau. Từ những phân tích ở trên, tôi thấy rằng cơ chế tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cũng như chất lượng của luận án tiến sĩ phải rất khác xa, khác về chất, so với những gì liên quan đến phó tiến sĩ. Trong tình hình hiện nay, để đào tạo nhiều tiến sĩ kinh tế học có chất lượng cao cho Việt Nam, tôi có đề nghị như sau:
Thứ nhất, các viện và các trường đại học đang có chương trình đào tạo tiến sĩ kinh tế cần thận trọng trong việc bắt đầu cho nghiên cứu sinh bảo vệ. Các tiêu chuẩn khách quan về trình độ học vấn của nghiên cứu sinh và chất lượng của luận án (như đã nói ở trên) đã được đảm bảo chưa? Chế độ bảo vệ đã thật sự nghiêm minh và khách quan chưa? Các cơ quan hữu quan và các nhà khoa học cần trao đổi ý kiến trước khi có quyết định về việc cấp văn bằng tiến sĩ tại Việt Nam.
Trước mắt, nên lập một hội đồng chung cho cả nước, quy tụ những nhà kinh tế có uy tín nhất của ta. Hội đồng có trách nhiệm đưa ra các biện pháp tổ chức kiểm tra trình độ của nghiên cứu sinh và mỗi năm tổ chức cho một số ít nghiên cứu sinh bảo vệ. Mặt khác, tích cực gửi các nghiên cứu sinh ra nước ngoài bảo vệ theo các chương trình hợp tác quốc tế mà viện hoặc trường đại học xây dựng được hoặc cho nghiên cứu sinh dự thi học bổng du học trong các chương trình sẽ nói ở điểm hai.
Thứ hai, trong thời gian độ 10 năm trước mắt, chủ yếu gửi nghiên cứu sinh sang các nước tiên tiến học và bảo vệ luận án tiến sĩ. Kết hợp ngân sách Nhà nước với các chương trình tài trợ của nước ngoài và các khoản viện trợ của các nước, mỗi năm có thể có một số khá lớn các nghiên cứu sinh được gửi đi.
Thứ ba, độ 10 năm sau, khi hàng trăm tiến sĩ kinh tế học từ nước ngoài lần lượt về (kết quả của các chương trình vừa nói), cùng với những nhà nghiên cứu thật sự giỏi đã có, ta có thể bắt đầu xây dựng khóa trình đào tạo tiến sĩ tại nhiều cơ quan trong nước.
Viết bài này, tôi không có mong muốn gì hơn là góp một ý kiến nhỏ trong việc làm cho Việt Nam ta có được đội ngũ khoa học kinh tế thật sự mạnh. Trong chín tháng giảng dạy ở khoa kinh tế của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa qua, tôi rất vui mừng thấy sự thông minh và ham học của giới trẻ nước ta. Nếu có cơ chế đúng đắn và môi trường thuận lợi, nhiều em trong số đó thừa sức trở thành những nhà kinh tế giỏi của Việt Nam trong tương lai.
GS Trần Văn Thọ
Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản
Let's block ads! (Why?)