Ngày 31/5, nói về giải pháp giảm ngập cho Sài Gòn, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang cho rằng cần nghiên cứu đồng bộ các giải pháp về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lượng mưa nhiều… Đồng thời, không đặt TP HCM riêng lẻ mà phải phải nghiên cứu cùng với các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… thậm chí phải nghiên cứu ảnh hưởng từ phía khu vực Tiền Giang.
Theo ông Cang, hiện hệ thống thoát nước của TP HCM đang mâu thuẫn giữa đô thị cũ và đô thị mới khiến hệ thống thoát nước cũ và mới không được đồng bộ. Cao độ khác nhau giữa hệ thống thoát nước cấp 1, cấp 2 và cấp 3 khiến việc thoát nước bị ảnh hưởng. Thậm chí, vấn đề phân cấp quản lý đã khiến cho hệ thống cống thoát nước và hệ thống kênh rạch thoát nước bị xung đột.
"Như Kênh Đôi – Kênh Tẻ do trung ương quản lý phục vụ cho giao thông thủy, không chú ý đến việc thoát nước, khiến hệ thống cống thoát nước không phát huy tác dụng. Bởi cống nằm sâu dưới lớp bùn dày chưa nạo vét của tuyến kênh này", ông Cang nói.
Nguyên nhân khác được Phó bí thư Thường trực Thành uỷ chỉ ra là do hệ thống các tuyến đường dài hơn rất nhiều so với hệ thống cống. Vì có nhiều con đường làm xong nhưng không chú ý đến hệ thống cống thoát nước đã dẫn đến hệ quả ngập ngày càng trầm trọng hơn.
|
Tình trạng ngập được đánh giá ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân Sài Gòn. Ảnh: An Nhơn
|
Nhìn nhận tình trạng ngập trên địa bàn gây bức xúc đối với người dân, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng nó không những ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng rất lớn đối với môi trường của thành phố.
Theo ông Phong, tình trạng ngập ảnh hưởng đến thành phố do mưa, triều cường, không loại trừ ngập úng… Qua tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên Quốc hội tại thành phố, người dân cũng chia sẻ và nêu ý kiến để góp phần giảm ngập tốt hơn.
Trung tâm chống ngập TP HCM xác định, tổng diện tích nghiên cứu chống ngập cho địa bàn là 968.500 ha gồm khu vực TP HCM 209.500 ha; vùng phụ cận bao gồm hạ du các sông Đồng Nai (từ hồ Trị An đến biển với diện tích 235.000 ha); sông Sài Gòn từ hồ Dầu Tiếng đến TP HCM (243.000 ha); sông Vàm Cỏ Đông (281.000 ha).
TP HCM sẽ chia làm 3 vùng kiểm soát nước. Vùng 1 bao gồm toàn bộ bờ hữu sông Sài Gòn – Nhà Bè. Trong đó có khu nội thành cũ - khu vực có nhiều bức xúc về tiêu thoát nước đô thị, khu vực phía Nam thành phố và một phần đất tỉnh Long An (bờ tả sông Vàm Cỏ và Vàm Cỏ Đông).
Tại đây, cần xây dựng tuyến đê bao dọc sông Sài Gòn từ Bến Súc - Củ Chi đến tỉnh lộ 824 - Long An với chiều dài 172 km. Xây dựng 13 cống kiểm soát ngăn triều Rạch Tra – Vàm Thuật, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân… Nạo vét, cải tạo 8 trục tiêu thoát nước chính với tổng chiều dài 50,14 km gồm Kênh Xáng Lớn, sông Cần Giuộc…
Vùng khu vực thứ hai bao gồm toàn bộ sông Đồng Nai – Sài Gòn (vùng đang phát triển) có thể bố trí đê chống ngập bằng việc xây dựng tuyến đê dọc sông Sài Gòn bờ tả - từ cầu Bình Phước đến Khu Đô thị mới Thủ Thiêm với chiều dài 19,5 km; xây dựng 11 cống kiểm soát triều…
Vùng khu vực thứ ba là toàn bộ bờ tả sông Nhà Bè – Soài Rạp hiện là vùng sinh quyển mở, có thể xây dựng các công trình kiểm soát nước quy mô lớn cho tương lai tùy thuộc vào tình hình nước biển dâng và phát triển của khu đô thị Nam thành phố.
Ngọc Hậu
Let's block ads! (Why?)