Ba ngày sau buổi hướng dẫn cho Tổng thống Mỹ Barack Obama ở chùa Ngọc Hoàng (quận 1, TP HCM), Tiến sĩ tôn giáo học Dương Ngọc Dũng (giảng viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM) nói rằng vẫn chưa hết cảm giác bồi hồi.
Ông kể, một sáng đầu tháng 5 khi đang dạy ở trường, ông nhận được cuộc điện thoại hẹn gặp từ nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM. Tại một quán cà phê ở trung tâm thành phố, ông Dũng được người này ngỏ ý mời làm người hướng dẫn Tổng thống Obama thăm chùa Ngọc Hoàng.
Sau phút ngỡ ngàng, tiến sĩ chuyên nghiên cứu về Phật học hỏi: “Vì sao chọn tôi?”. Nhân viên này nói qua nhiều nguồn tin đã biết được ông đáp ứng đủ các yếu tố mà họ cần: am hiểu Phật giáo, lưu loát tiếng Anh, từng học ở Mỹ và là người bản địa.
|
Ông Dương Ngọc Dũng (giữa) cùng Tổng thống Obama ở chùa Ngọc Hoàng chiều 24/5. Ảnh: Giang Huy
|
"Họ khẳng định với tôi nhiều lần rằng không có gì chắc chắn cả nên xin ông tuyệt đối giữ bí mật, không được kể với ai ngoài vợ. Chưa chắc Tổng thống Mỹ ghé thăm TP HCM, nếu đến cũng chưa chắc đã thăm chùa Ngọc Hoàng và cũng có thể, phía đặc vụ Mỹ không chấp nhận tôi làm người hướng dẫn. Họ nói như vậy để tôi không bị hụt hẫng với bất cứ điều gì xảy ra và để tôi thoải mái hợp tác", ông Dũng kể.
Gần một tuần sau, ông được mời đến một quán ăn để gặp hai đặc vụ từ Mỹ sang cùng với hai nhân viên lãnh sự quán khác. Những người này hỏi ông nhiều chuyện về công việc, đời sống, sở thích, những ngày du học ở Mỹ… nhưng không hề nhắc đến nhiệm vụ đặc biệt ở chùa Ngọc Hoàng. Tôi nghĩ khi đó, họ đang thăm dò xem thái độ, kiến thức và khả năng tiếng Anh của tôi tới đâu”, ông phán đoán.
Buổi ăn trưa kéo dài hơn một tiếng và kết thúc bằng sự hài lòng từ các nhân viên đặc vụ Mỹ nhưng họ tiếp tục khẳng định: mọi thứ có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Ngày 18/5, ông được hẹn đến chùa Ngọc Hoàng để làm việc với các đặc vụ Mỹ. Jamie - trợ lý đặc biệt của Tổng thống - hỏi ông: “Nếu tôi là Tổng thống, ông sẽ nói gì về ngôi chùa này?”. Ông Dũng liên tục giới thiệu về lịch sử, những điểm đặc biệt lý thú của ngôi chùa.
Trong khi ông đang nói, thỉnh thoảng bà Jamie đột ngột thắc mắc về những bức tượng hay bất cứ điều lạ lẫm trong chùa hoặc đề nghị ông dịch những câu đối tiếng Hoa sang tiếng Anh. Tất cả đều được ông Dũng giải thích cặn kẽ. Nhân viên của Tổng thống Mỹ hài lòng và dặn: “Nếu Tổng thống có hỏi điều gì, xin ông hãy trả lời tương tự”.
Ngoài Tiến sĩ Dũng, phía Mỹ còn chuẩn bị phương án dự phòng là một chuyên gia Phật học người Mỹ, hiện đang làm việc ở Đài Loan, tên là Frank. Đặc vụ Mỹ làm việc song song với hai chuyên gia Phật học nhưng vẫn xác định ông Dũng là lựa chọn đầu tiền.
Ông Frank có đề nghị với ông Dũng: “Nếu ông được chọn là người chính thức hướng dẫn cho Tổng thống về ngôi chùa thì tôi có thể tham gia câu chuyện được không?”. Ông Dũng vui vẻ, sau đó đã giữ đúng lời hứa khi nhiều lần mời ông Frank bổ sung thêm ý kiến trong lúc giới thiệu chùa Ngọc Hoàng với Tổng thống Obama.
|
Tiến sĩ Dũng và bà Jamie trong một buổi chuẩn bị đón Tổng thống Mỹ ở chùa Ngọc Hoàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
|
Vị trí đứng chờ Tổng thống bước vào chùa của những người trong chùa cũng được đặc vụ Mỹ xác định và đánh dấu chính xác từng centimet. Ngay cả khâu trang phục của người hướng dẫn cũng được phía Mỹ chuẩn bị cẩn thận. Ông Dũng được yêu cầu chuẩn bị bộ vest và tùy theo trang phục của Tổng thống thì ông sẽ mặc theo cho phù hợp.
Ngày 21/5 và ngày 23/5 - khi Tổng thống Obama đang ở Hà Nội - ông Dũng và đặc vụ Mỹ tiếp tục hai đợt tập dợt chuẩn bị tương tự.
Đến sáng 24/5, ông Dũng mới được phía Mỹ khẳng định chắc chắn về nhiệm vụ hướng dẫn cho Tổng thống tại chùa Ngọc Hoàng. Lập tức, ông họp lần cuối với an ninh, đặc vụ Mỹ và có mặt ở ngôi chùa này lúc 14h để chờ đón Tổng thống Obama.
Theo kế hoạch, ông tiến sĩ tôn giáo học cùng ông Frank và sư thầy trụ trì đứng đợi gần tượng hộ pháp ở sân chùa, trước khoảng 5 phút Tổng thống đến.
“Tôi rất căng thẳng và xúc động”, ông nói. Khi bước ra nói lời chào mừng đến thăm Việt Nam và chùa Ngọc Hoàng, ông Dũng có mấy giây “khớp” khi thấy Tổng thống Mỹ rất cao lớn, khác xa với hình dung “nhỏ con, hơi gầy” trước đó.
Khi ông Dũng giới thiệu chùa Ngọc Hoàng được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 theo phái Hoa tông, ông Obama liền hỏi “Khi nào?”; ông Dũng đáp: năm 1894. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ đi đến bàn thờ Ngọc Hoàng, hỏi ý nghĩa của ba cây nhang và việc thắp nến. Ông Dũng trả lời: “Nhang là tượng trưng cho tinh, khí và thần – ba món vật tạo nên tinh thần, thể xác của con người. Phải thắp nến liên tục vì phải giữ lửa để duy trì nguồn sống”. Ông Obama gật đầu, tỏ ý hài lòng với những giải thích đó.
Sau đó, Tổng thống Mỹ đến bàn thờ Phật Thích Ca và được giải thích về sự ra đời của Đức Phật, ý nghĩa tượng trưng cho sự vô thường của tiếng chuông. Tại đây, sư thầy Thích Minh Thông đã thắp nhang và Tổng thống Mỹ cúi đầu bày tỏ sự tôn trọng. Ông Dũng còn giới thiệu với Tổng thống Mỹ rằng đây là ngôi chùa mà nhiều người hiếm muộn đến đây cầu tự, người có con rồi thì lại đến xin con trai.
Ông Obama cười sảng khoái và dí dỏm: “Tôi thích con gái”.
|
Tiến sĩ tôn giáo học Dương Ngọc Dũng. Ảnh: Mạnh Tùng
|
Tổng thống Mỹ cũng hỏi về Thổ Địa, Thần Tài... Ra khỏi cửa chùa, ông Obama đứng nhìn hồ nuôi rùa ở phía bên trái và hỏi ý nghĩa của con rùa trong Phật giáo. Ông Dũng đáp, trong Phật giáo, con rùa không có nhiều ý nghĩa biểu tượng nhưng đây là một trong tứ linh: long, lân, quy, phụng trong văn hóa của nhiều nước phương Đông. Nhà chùa cũng chuẩn bị sẵn một con rùa nếu Tổng thống muốn làm nghi thức phóng sinh theo sự bàn bạc trước đó với đặc vụ Mỹ nhưng ông Obama đã không nhắc đến chuyện này.
Trong suốt hành trình 10 phút tại chùa Ngọc Hoàng, Tổng thống Mỹ luôn gọi Tiến sĩ Dũng là “Giáo sư”, còn ông Dũng gọi người đứng đầu Nhà Trắng là “Ngài Tổng thống”. Trước khi rời chùa Ngọc Hoàng, Tổng thống Mỹ chủ động mời ông Dũng và sư thầy trụ trì chụp chung một bức hình.
Ông Dũng còn kể, khi Tổng thống Mỹ rảo bước gần đến cổng chùa và chuẩn bị lên xe thì đột nhiên có một cậu bé chừng 7-8 tuổi đứng trên gác nhà bên tường rào bên trái của chùa hô to nhiều lần: “Obama”. Đặc vụ và nhân viên an ninh Mỹ tỏ vẻ bất ngờ và lo lắng, còn ông Obama thì bình thản, nở nụ cười và vẫy tay với cậu bé.
Khi Tổng thống Mỹ lên xe rời chùa Ngọc Hoàng, bà Jamie đến ôm chầm ông và nói: “Chúng ta đã thành công rồi”. Một số nhân viên an ninh Mỹ cũng mỉm cười và khen ông làm rất tốt. Còn ông Dũng khi đó thì mệt rã rời và đi bộ đến một quán bánh cuốn trên đường Đinh Tiên Hoàng để ăn lót dạ, lấy sức cho buổi dạy tối hôm đó.
Thấy ông mặc áo vest, đeo kính đen khá “ngầu”, bà chủ quán hỏi: “Hồi nãy ông trong đoàn với ông Obama vào chùa phải không?" rồi biếu ông đĩa bánh cuốn. “Tôi rất vui khi chứng kiến tình cảm của người dân với Tổng thống Mỹ”, ông Dũng nói.
Người hướng dẫn Tổng thống Mỹ ở chùa tự hào: “Có lẽ, tôi là người Việt Nam duy nhất không phải là quan chức mà được đứng gần và nói chuyện với Tổng thống Barack Obama lâu như vậy. Đó là một vinh hạnh lớn của tôi”.
20 năm trước ông Dũng đã tốt nghiệp cao học ngành Đông Á tại Đại học Harvard và 5 năm sau đó lấy bằng tiến sĩ tôn giáo học tại Đại học Boston (Mỹ).
Mạnh Tùng
Let's block ads! (Why?)