Trao đổi với báo chí chiều 31/5, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ông Hà Huy Quang cho hay, thành phố đang tìm phương án khả thi để đưa tuyến xe buýt nhanh (BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa đi vào hoạt động cuối năm nay.
Tuyến buýt BRT được duyệt quy hoạch đường ưu tiên 3,5 m, tuy nhiên khi triển khai đã nảy sinh bất cập. “Nguyên tắc xe buýt nhanh là phải có đường ưu tiên. Nhưng thực tế giao thông của Hà Nội hiện nay nếu không cho các phương tiện đi vào đường ưu tiên tiên thì rất nhiều vấn đề, đặc biệt với các đoạn có mật độ giao thông đông”, ông Quang nói.
|
Nhiều nhà chờ của tuyến xe buýt nhanh hoàn thành đã lâu nhưng chưa được khai thác. Ảnh: Bá Đô.
|
Phó giám đốc Sở thừa nhận, nếu dành riêng đường cho xe buýt nhanh thì hình ảnh đường ưu tiên có lúc không có xe lưu thông trong khi phần đường còn lại ùn tắc sẽ rất phản cảm. Khi đặt vấn đề giải quết đường ưu tiên cho xe buýt nhanh, có 2 quan điểm. Một là cứ thực hiện theo phương án cũ, nghĩa là dành đường ưu tiên 3,5 m suốt toàn tuyến, tuy nhiên tính khả thi không cao. Hai là giảm ưu tiên, không ưu tiên hoàn toàn.
“Chúng tôi đang nghiên cứu phương án tổ chức giao thông không ưu tiên toàn bộ 100% mà đoạn nào có khả năng có thể dành riêng đường ưu tiên, đoạn nào không được thì ưu tiên qua các nút giao thông”, ông Quang thông tin.
Nhưng ông Quang cũng thừa nhận việc “đưa ra phương án mới rất khó khăn” vì đây là loại hình giao thông mới, đi nhanh thì phải có đường ưu tiên và nếu không có thì nguy cơ mất an toàn rất lớn. “Chúng tôi xác định vừa làm vừa theo dõi và điều chỉnh, chứ không thể quyết một cái là như cái máy chạy ầm ầm rồi có vấn đề xảy ra thì rất khó xử”, Phó giám đốc Sở Giao thông bày tỏ.
|
Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Hà Huy Quang. Ảnh: Võ Hải.
|
Phó giám đốc Quang đã không trả lời các câu hỏi liên quan đến việc chậm tiến độ của dự án xe buýt nhanh; về số vốn đầu tư; lo ngại việc chậm tiến độ sẽ đội vốn...
Về thời điểm đưa tuyến xe buýt nhanh vào hoạt động, Sở Giao thông cho biết thành phố đang cùng các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nghiên cứu phương án khả thi nhất để trong tháng 6-7 sẽ nghiên cứu thí điểm trực tiếp trên tuyến. Dự kiến trong quý III/2016 sẽ đưa tuyến buýt nhanh vào hoạt động.
Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, dự kiến ban đầu khai thác vào quý II/2015 nhưng đã chậm tiến độ hơn một năm.
Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km sẽ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay.
Với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/h, các xe đều có hệ thống GPS kết nối Trung tâm để giải quyết sự cố phát sinh. Tại nút giao thông có hệ thống tích hợp với đèn tín hiệu để ưu tiên xe buýt nhanh qua nút.
Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.
Võ Hải
Let's block ads! (Why?)