Thứ hai, 2/5/2016 | 00:44 GMT+7
|
Thứ hai, 2/5/2016 | 00:44 GMT+7
Cây quyếch hơn 700 tuổi là chứng tích còn lại trong giai thoại về bà cụ hàng nước hiến kế cho Trần Hưng Đạo biết lịch con nước để cắm cọc trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông năm Mậu Tý 1288.
Cây quyếch nằm bên dòng sông Bạch Đằng cạnh Miếu Vua Bà, Đền Trần Hưng Đạo thuộc phường Yên Giang (thị xã Quảng Yên. Quảng Ninh), được nhà chức trách xác nhận trên 700 tuổi.
Bia đá ghi bằng hai thứ tiếng (Anh và Việt) được đặt cạnh cây quyếch. Nơi đây xưa là bến đò rừng, tương tuyền bên cây quyếch có bà bán hàng nước phục vụ khách qua sông.
Vào khoảng đầu năm Mậu Tý 1288, Hưng Đạo Vương đã đến bến đò này nghiên cứu địa hình, chuẩn bị thế trận tiêu diệt đạo thủy binh quân xâm lược Nguyên Mông. Tại đây, Hưng Đạo Vương đã được bà hàng nước thưa tỉ mỉ, chính xác lịch con nước và địa thế dòng sông, giúp bố trí trận địa cọc và chọn thời điểm quyết chiến.
Chiến trận Bạch Đằng đại thắng, Hưng Đạo Vương trở lại bến đò tìm bà để tạ ơn, nhưng không thấy, chỉ thấy đống mối đùn lên rất to nơi bà ngồi. Cảm kích trước tấm lòng yêu nước của bà, Hưng Đạo Vương đã tâu với vua trần phong bà làm "vua bà" và lập miếu thờ tại nơi bán hàng bên gốc cây quyếch này.
Bờ tường bằng đá với những họa tiết tinh xảo được xây dựng quanh gốc cây.
Ông Đào Thế Tư (76 tuổi) tổ trưởng ban quản lý di tích, cho biết do thời gian, bên trong gốc cây bị mối ăn mòn tạo thành hố sâu bên dưới, người dân dùng gạch xếp vào để lấp lại. "Hiện nay cây luôn được theo dõi chăm sóc thường xuyên, tưới nước đều đặn", ông Tư nói.
Lớp vỏ ngoài dưới gốc thi thoảng lại bong tróc thành từng mảng lớn.
Cành lớn bị mục, gãy đã được cắt bỏ.
Một số đoạn của thân cây được bọc xung quanh.
Tránh cho cây gãy đổ vào mùa mưa bão, ban quản lý di tích dùng những đoạn dây sắt được thiết kế có độ giằng để giữ các cành với nhau.
Quả của cây quyếch khi chín có màu đỏ hồng.
Bến đò rừng cổ đã được xây bờ kè gọn gàng, sạch sẽ. Ông Ngỗ Đình Dũng, Phó phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Quảng Yên, cho biết cây quyếch hơn 700 tuổi này thuộc cụm di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng. Với những giá trị đặc biệt, ngày 27/9/2012, Thủ tướng quyết định xếp hạng khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là di tích quốc gia đặc biệt.
Sông Bạch Đằng là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km. Sông Bạch Đằng nằm trong hệ thống sông Thái Bình.
Ông Dũng cũng cho hay, theo sử sách, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh đều bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938, chiến thắng Bạch Đằng năm 981 và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo đã khẳng định được sức mạnh không thể lay chuyển được của quân dân Đại Việt, phá tan âm mưu cướp nước ta của quân xâm lược Nguyên Mông. Chỉ trong một ngày 8/3/1288, toàn bộ đạo binh thuyền của quân xâm lược Nguyên Mông trên đường rút ra khỏi Đại Việt qua đường sông Bạch Đằng gồm 600 chiến thuyền, khoảng 40.000 quân, đã bị tiêu diệt hoặc bắt sống.
- (3/3)
- (9/3)
- (3/3)
- (3/3)
- (12/3)
Let's block ads! (Why?)