Cũng như các môi trường tự nhiên khác, khi bị nhiễm độc, biển có cơ chế tự làm sạch. Biển là môi trường liên tục, rộng lớn với các quá trình động lực mạnh mẽ, đặc biệt là các quá trình sóng, dòng chảy biển. Mặt khác, trong nước biển luôn tồn tại các khí hòa tan và rất nhiều loài vi sinh vật.
Với tính chất này, biển có thể tự làm sạch mọi độc chất qua 3 quá trình: Một là pha loãng chất độc một cách cơ học do tác động các quá trình động lực; hai là phân hủy chất độc do các quá trình hóa học và thứ ba, phân hủy sinh học dưới tác động của các loài vi sinh vật.
Với hệ thống dòng chảy biển bao trùm hết toàn vịnh Bắc Bộ và biển Đông, trong hơn 4 tháng từ khi xảy ra sự cố môi trường cho tới nay, chất độc do Formosa thải ra có khả năng đã được pha loãng ra toàn bộ vịnh Bắc Bộ và phần lớn biển Đông. Khi ra ngoài biển khơi, chất ô nhiễm bị các chất lơ lửng trong nước biển hấp thụ và chìm dần xuống đáy hoặc bị phân hủy bởi các quá trình hóa học, sinh học.
Quá trình hóa học gồm các phản ứng hóa học xảy ra giữa chất ô nhiễm với môi trường để biến các chất độc hại thành các chất không độc hại. Với quá trình sinh học, vi sinh vật trong nước biển sẽ giúp phân hủy các chất ô nhiễm và biến chúng thành các chất không độc hại. Với các quá trình nêu trên, chất độc sẽ dần biến mất và biển sẽ tự làm sạch.
Ngoài tôm, cá và một số loài nhuyễn thể, san hô là loài bị hại nhiều nhất. Thực tế, nhiều năm qua san hô ven bờ biển và hải đảo Việt Nam đã bị suy giảm một cách nghiêm trọng. Kết quả thực hiện dự án "Đảo ngược xu thế suy thoái biển Đông và vịnh Thái Lan” của nhóm nhà khoa học Việt Nam do PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn (Viện hải dương học) đứng đầu cho thấy các mối đe dọa của san hô Việt Nam xếp theo thứ tự nguy hiểm là đánh bắt quá mức, đánh bắt bằng các hình thức, phương tiện hủy diệt, du lịch, lấn biển, gia tăng độ đục của nước biển và ô nhiễm biển, khai thác san hô và biến đổi khí hậu. Vì vậy, để san hô nhanh chóng khôi phục, phải loại trừ các nguy cơ nêu trên.
|
Rặng san hô chết trắng ở khu vực Thừa Thiên Huế trong đợt khảo sát trong khoảng tháng 5-6. Ảnh: VAST.
|
Bên cạnh đó, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp giữ cho môi trường sạch, quản lý tốt việc xả thải từ bờ. Đồng thời, cấm tuyệt đối các hình thức đánh bắt hải sản cạn kiệt, bằng các biện pháp, phương tiện mang tính hủy diệt như thuốc nổ, xyanua, giã cào, xung điện để khôi phục lại hệ sinh thái san hô nguyên vẹn với đầy đủ các sinh vật trong chuỗi thức ăn, tạo điều kiện các sinh vật có lợi san hô phát triển và hạn chế sự phát triển của các sinh vật có hại cho san hô.
Nếu môi trường trong sạch trở lại, các hệ sinh thái biển sẽ dần khôi phục theo thời gian, nhanh nhất sẽ là cá, tôm.... Các rạn san hô sẽ khôi phục chậm nhất vì một năm san hô chỉ phát triển thêm từ 1 đến 2 cm. Tốc độ phục hồi san hô sẽ nhanh hơn nhiều nếu chính quyền và người dân cùng nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái san hô khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Trứng san hô từ các rạn chưa chết phát tán ra môi trường, trôi đến và bám vào các khu vực san hô đã chết để giúp san hô mọc lại.
TS Vũ Thanh Ca
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đảo
Let's block ads! (Why?)